xebinhdinh.com

loading

Đáp Án Cuộc Thi An Toàn Giao thông Cho Nụ Cười Ngày Mai (Bài 2 - Cấp THPT)



Trắc Nghiệm

Câu 1: Đáp án: C
Những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn không được tự ý dọn dẹp hiện trường và di chuyển phương tiện, vì việc này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra.

Câu 2: Đáp án: A
Tư thế điều khiển xe đạp điện an toàn là vai buông lỏng tự nhiên, lưng thẳng hơi nghiêng về trước, chân và tay đặt tự nhiên, mắt quan sát phía trước, đầu gối khép song song với sàn xe.

Câu 3: Đáp án: C
Khi trời mưa, cần đi tốc độ thấp, phanh sớm hơn, giữ khoảng cách lớn hơn bình thường để đảm bảo an toàn.

Câu 4: Đáp án: B
Người điều khiển phương tiện không được đi cắt ngang qua đoàn xe hoặc đoàn người có tổ chức.

Câu 5: Đáp án: C
Khoảng cách tối thiểu khi dừng lại tại nơi giao nhau với đường sắt là 5 mét tính từ ray gần nhất.

Câu 6: Đáp án: A
Người tham gia giao thông cần tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho bản thân và người khác. Chủ phương tiện chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn phương tiện.

Câu 7: Đáp án: C
Người điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng gây tai nạn giao thông bị phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Câu 8: Đáp án: B
Nam chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, anh trai Nam đã giao xe cho người không đủ điều kiện pháp lý, nên cả hai đều vi phạm.

Câu 9: Đáp án: B
Biển báo  là biển báo hiệu sắp giao với đường ưu tiên.

Câu 10: Đáp án: A
Thứ tự xe đi đúng: Xe công an, xe con, xe tải, xe khách.

Tự luận

Câu 1. Đọc tình huống sau "Nhà H ở một phố lớn của thị xã, mẹ H là chủ một cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng. Nhà H thường xuyên tập kết hàng hoá, để tràn ra chiếm hết vỉa hè, gây cản trở giao thông, mọi người xung quanh phàn nàn nhiều nhưng gia đình H làm như không biết gì cả".

 - Hãy nhận xét về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của gia đình H. 

- Nếu là H, em sẽ làm gì?

Trả lời:

Nhận xét về hành vi của gia đình H, trước hết đứng trên phương diện pháp luật, ta có thể thấy:

Hành vi của gia đình H trong tình huống này đã vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ, cụ thể là hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường theo khoản 1 Điều 36, Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008 và có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;

c) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe;

d) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.

Bên cạnh đó, hành vi của gia đình H cũng thể hiện sự thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng:

- Hành vi xếp hàng hóa tràn lan, chiếm vỉa hè sẽ gây mất mĩ quan đô thị đồng thời dễ  ùn tắc, cản trở, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn cho người tham gia giao thông. 

- Mặt khác, khi mọi người phàn nàn nhiều nhưng gia đình H đều phớt lờ, điều này đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm, ý thức đối với cộng đồng, sự thờ ơ, bàng quan trước an toàn của người dân và coi nhẹ các quy định của pháp luật của họ. 

Nếu em là H, em sẽ: 

- Trước hết, em sẽ tìm hiểu về những quy định của pháp luật trong việc sử dụng lòng đường/vỉa hè để nhận thức được hành vi nào phù hợp và đảm bảo an ninh trật tự xã hội và ngược lại.

- Lập một cuộc họp gia đình để trò chuyện và thảo luận với bố mẹ về tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông và chỉ ra hành động của gia đình đang có những ảnh hưởng xấu tới trật tự và giao thông của làng xóm.

- Tổ chức một buổi họp mặt của các hộ dân cư trong xóm, tiếp nhận, lắng nghe những ý kiến, sự phàn nàn và góp ý của mọi người qua đó cùng mọi người đề ra những phương án thích hợp.

- Em sẽ cùng gia đình sắp xếp hàng hóa trong cửa hàng sao cho không chiếm dụng vỉa hàng, sửa sang lại nhà kho hoặc thuê kho bãi, tìm địa điểm khác để lưu trữ hàng hóa nhằm không làm cản trở giao thông và ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

- Cuối cùng, em sẽ gửi lời xin lỗi tới người dân trong khu dân cư, tích cực tuyên truyền cho mọi người về tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Câu 2:

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: Văn hóa giao thông chính là hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. “Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tôn trọng, nhường nhịn người khác, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp hoạn nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi để hướng tới một xã hội giao thông an toàn, thân thiện” .

Trên cơ sở khái niệm văn hóa và khái niệm giao thông (đường bộ), em hiểu rằng: văn hóa giao thông là hệ thống các chuẩn mực trong hoạt động ứng xử của con người khi tham gia giao thông hoặc các hoạt động có liên quan đến giao thông; các quy chuẩn về cơ sở vật chất phục vụ giao thông theo quy định của pháp luật, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và tính nhân văn được cộng đồng thừa nhận.

Em nhận thấy rằng văn hóa giao có tác động một cách tích cực và toàn diện đối với người tham gia giao thông. Cụ thể là văn hóa giao thông giúp cho người tham gia giao thông nâng cao thức tự giác và chi phối trực tiếp hành vi chấp hành Luật Giao thông; văn hóa giao thông là động lực thúc đẩy ý thức và hành động ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; văn hóa giao thông duy trì, kiểm soát ý thức tôn trọng người tham gia giao thông, giúp đỡ, nhường nhịn trẻ em người già, người tàn tật trong suốt quá trình tham gia giao thông. Với những vai trò đó, văn hóa giao thông đảm bảo cho hoạt động giao thông đường bộ được diễn ra một cách trật tự và an toàn.

Khi được tham gia Hội thảo với nội dung “Học sinh trung học phổ thông với Văn hóa giao thông”, Em sẽ chuẩn bị và tham gia những ý kiến nào với Hội thảo? Vì sao?

Khi tham gia Hội thảo với nội dung “Học sinh trung học phổ thông với Văn hóa giao thông” sẽ chuẩn bị và tham gia những ý kiến sau:

Em sẽ chuẩn bị tìm hiểu kỹ về vấn đề:

- Nghiên cứu các tài liệu về văn hóa giao thông, luật giao thông và các thông tin thực tế từ báo đài.

- Quan sát tình hình giao thông và nhận diện các vấn đề, như ý thức chấp hành luật giao thông, hành vi vi phạm, hay các khó khăn thường gặp

- Lắng nghe ý kiến từ gia đình, thầy cô và bạn bè để hiểu rõ hơn về nhận thức và hành vi giao thông trong thực tế.

Chuẩn bị những ý kiến đóng góp:

- Phân tích tình trạng văn hóa giao thông của học sinh, cả những mặt tích cực như ý thức đội mũ bảo hiểm hay nhường đường, và các mặt hạn chế như vượt đèn đỏ, không chú ý an toàn, lạng lách, đánh võng, chở hơn 2 người/1 xe,...

- Nguyên nhân dẫn đến các hành vi chưa chuẩn mực như: thiếu kiến thức, tâm lý chủ quan, khát khao chứng tỏ bản thân của số ít những bạn trẻ hiện nay, đua đòi theo bạn bè hoặc áp lực thời gian khi muộn học/muộn làm.

Đề xuất các giải pháp khả thi: Các hoạt động cụ thể có thể thực hiện ở trường học, địa phương. Các chính sách, quy định cần thiết để nâng cao ý thức của mọi người.

- Xây dựng mô hình Đội tuyên truyền giao thông, thúc đẩy, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ giao thông trong trường học và cộng đồng.

- Tổ chức truyền thông như các talkshow, tư vấn, chia sẻ hoặc chiến dịch đảm bảo an toàn qua các buổi ký cam kết tuân thủ luật giao thông, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của học sinh trong nhà trường.

- Nhà trường cũng cần linh hoạt đưa văn hóa giao thông vào chương trình học như lồng ghép các bài học liên quan vào môn Giáo dục công dân hoặc tổ chức các hội thảo định kỳ.

- Kêu gọi sự hợp tác giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng trong việc xây dựng một môi trường giao thông an toàn hơn, nhấn mạnh rằng đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là của toàn xã hội.

=> Những đóng góp này không chỉ nâng cao ý thức giao thông của học sinh mà còn lan tỏa thông điệp về một môi trường giao thông an toàn và văn minh. Với sự tham gia chủ động và tích cực, học sinh THPT có thể trở thành những người tiên phong trong việc xây dựng văn hóa giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc, hướng đến một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.


``
Giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng số 331/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông.