xebinhdinh.com
1. Chủ đề của cuộc thi: Mỗi khi tháng 11 đến là trong lòng của mỗi chúng ta, những người đã đang là học sinh đều luôn nôn nao nhớ về thầy cô, nhớ về ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Bằng lòng nhiệt thành và trái tim cháy bỏng, thầy cô không ngại khó khăn, gian khổ để mang tới cho chúng em những điều tốt đẹp nhất. Sự chu đáo, tận tâm của thầy cô đã khiến chặng đường chinh phục tri thức của chúng em tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Xin chân thành cảm ơn những công lao đóng góp to lớn của các thầy, các cô.
Yêu cầu đề bài: Em hãy chia sẻ cảm xúc hoặc lời nhắn nhủ của mình đến thầy (cô) giáo cùng một bức ảnh chụp từ phía sau của thầy (cô).
2. Kết quả
- Giải nhất: Pie1706 - https://www.xebinhdinh.com/thong-tin-ca-nhan/1695350
- Giải khuyến khích
thuydungpham4580- https://www.xebinhdinh.com/thong-tin-ca-nhan/1719426
ngocanh048- https://www.xebinhdinh.com/thong-tin-ca-nhan/2053006
3. Bài viết đoạn giải nhất
Giáo viên: Lê Hà Giang, hiệu phó + giáo viên dạy bộ môn Ngữ Văn trường THCS Thành Nhân.
Thầy cô là những là chiếc cầu nối, là người lái đò lặng lẽ đêm ngày đưa chúng em cập bến đò tri thức và tiếp xúc với tâm hồn bao thế hệ. Thầy cô giáo dục chúng em bằng cả tình thương và trách nhiệm cao cả, bằng cả tấm lòng và sự nhiệt huyết, tận tâm. "Vì lợi ích trăm năm" thầy cô chẳng quản ngại "dầm mưa dãi nắng" để "trồng người". Thật đúng, nhà thơ Bùi Đăng Sinh, đã viết khi còn ngồi trên ghế nhà trường trong bộ đồng phục trắng:
"Đồi cao thắm sắc ti-gôn
Trồng hoa thầy đã trồng luôn cả người."
Nỗi vất vả chẳng đâu xa xăm, nó hiện lên trên đôi mắt thâm quầng, đôi mắt thức khuya soạn bài, những tiếng ngáp dài mệt mỏi do giấc ngủ rút ngắn. Chỉ vậy thôi, em cũng thấu hiểu sự vất vả của cô và các người thầy trên đời.
Một chén cơm nguội, vài ba mẩu bánh mì, dăm ba miếng bánh đa,... như thế liệu có thứ gì gọi là sức khoẻ không, cô ơi..? Dẫu vậy, những bài giảng của cô không khô khốc, không nguội. Người ta nói, học văn là mệt nhoài trên những trang sách phủ đầy con chữ, lúc học văn đôi mắt lim dim định đánh một giấc dài, chắc rằng học sinh nào cũng vậy và em cũng thế. Nhưng khi bước chân vào tiết học của cô, cô đã cho em biết thế nào là niềm vui với văn học. Những bài giảng của cô hoàn toàn mới mẻ với những trò chơi lí thú, hình ảnh phù hợp với lứa tuổi học sinh. Xen lẫn các bài giảng, cô hay kể chuyện, cô kể chuyện thời xưa, chuyện tuổi thơ, chuyện những học trò nhỏ của cô thuở năm nào,... Thú thật rằng, "tôi" đã chìm đắm với lời giảng của cô từ buổi học đầu tiên.
Cô với em như một người bạn, cô là một kĩ sư tâm hồn. Cô rất mến học sinh, và đứa nào cũng muốn trò chuyện, trút bầu tâm sự với "người bạn" này. Cô thấu hiểu tâm lí của tuổi học trò, và chẳng khó để bắt gặp cô ngồi "thủ thỉ" với học sinh. Trường không có hoa ti-gôn như trong thơ Bùi Đăng Sinh, nhưng có những tán bàng, tán phượng, đó cũng là nơi cô cùng học sinh ríu rít cả giờ ra chơi.
Em biết rằng "nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề" và cũng là nghề vô cùng khó nhọc. Đó là một công việc âm thầm, bền bỉ như câu "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Chúng em thật sự tôn trọng và yêu mến cô!
"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", em tự hứa với mình và chắc hẳn bạn học sinh nào cũng vậy là phải nỗ lực học tập rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành một công dân mẫu mực để thầy cô luôn vui lòng.
Nhân dịp 20-11 gần đến, em xin gửi lời đến cô Giang - người mẹ thứ `2` của em luôn tràn ngập hạnh phúc, vui vẻ, thành công trong sự nghiệp "trồng người" !
Yêu cô! Người mẹ tuyệt vời!